Theo nguồn tin trên trang mạng của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội
Bài phát biểu của Đại Sứ Ted Osius tại Hội Nghị Toàn Thể Nhóm Hỗ Trợ Quốc Tế (ISG) năm 2015.
Khách sạn Melia, Hà Nội
Thứ Sáu, ngày 6/11/2015
Xin chào buổi sáng. Ngài Bộ Trưởng Phát, Ngài Thứ Trưởng Khánh, các vị đại biểu và khách quí.
Thật là một vinh dự lớn khi tôi được có mặt ở đây để chào đón các vị đại biểu tới tham dự sự kiện này. Tôi là Đại Sứ thứ ba của Hoa Kỳ có được vinh dự khai mạc hội nghị thường niên quan trọng này giữa Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn với cộng đồng quốc tế và các đối tác khác tại Việt Nam. Chủ đề của năm nay “ Việt Nam Tham Gia Hiệp Định Xuyên Thái Bình Dương” là đúng lúc vì mới cách đây một tháng Việt Nam, đã cùng với Hoa Kỳ, và mười nước khác vừa hoàn thành xong việc đàm phán Hiệp Định TPP.
Một khi có hiệu lực, thỏa thuận này sẽ là một bước tiến quan trọng trong việc tăng cường an ninh kinh tế hợp tác của chúng ta và tiếp tục làm sâu sắc hơn mối quan hệ Hoa Kỳ Việt Nam. Mở cửa thị trường hướng tới thịnh vượng, TPP liên kết các quốc gia đại diện cho gần 40% GDP toàn cầu và sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao khả năng cạnh tranh. Sau nhiều năm đàm phán liên tục, chúng ta đã đi đến một thỏa thuận hỗ trợ việc làm, theo đuổi tăng trưởng bền vững, kích lệ sự phát triển toàn diện và thúc đẩy đổi mới trên toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Kể từ lần đầu tiên tới Việt Nam vào năm 1995 trên cương vị một quan chức chính trị, tôi đã được hiểu chắc chắn rằng ngành nông nghiệp quan trọng như thế nào đối với môi trường kinh tế, xã hội và văn hoá của Việt Nam. Các sản phẩm nông nghiệp được dùng làm quà biếu giữa các gia đình Việt Nam vào dịp Tết và các sự kiện quan trọng trong năm. Khi đi từ Bắc vào Nam, du khách thường chọn mang theo ít Bánh Cốm, qủa Vải hoặc quả Sấu làm quà cho các đồng nghiệp ở miền Nam, và khi trở về từ miền Nam sẽ mang theo quả Xoài, Hải Sản, và quả Cóc. Vì vậy khi nói rằng nông nghiệp là nền tảng cho kinh tế Việt Nam cũng không phải là nói quá. Trở lại Việt Nam với cương vị Đại Sứ vào cuối năm 2014, tôi được biết rõ hơn về ngành nông nghiệp có thể sôi động và linh hoạt như thế nào ở Việt Nam. Mặc dù có sự tăng trưởng to lớn trong các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, ngành nông nghiệp vẫn là nền tảng vững chắc của nền kinh tế Việt Nam.
Nông nghiệp sử dụng gần 50 phần trăm dân số – với nhiều người vẫn còn sinh sống trong khu vực nông thôn – và đang tiếp tục đáp ứng các thách thức về cung cấp thực phẩm cho dân số đang tăng nhanh ở Việt Nam cũng như toàn cầu. Nông nghiệp đã mang loại doanh thu khoảng 30.8 tỷ Đô la Mỹ từ xuất khẩu cho Việt Nam trong năm 2014. Các đối tác thương mại khác nhau, từ các nước đang phát triển ở châu Phi; các thành viên của tổ chức ASEAN; đến thị trường của các nước phát triển ở châu Âu, Nhật Bản và Hoa Kỳ đang ngày càng chuyển sang nhập khẩu một loạt các sản phẩm nông, thủy sản và các sản phẩm lâm nghiệp tử Việt Nam. Tầm quan trọng sống còn của nông nghiệp đối với kinh tế Việt Nam cũng như đối với an ninh lương thực trong khu vực là rất to lớn.
Tiêu chuẩn cao và các quy tắc trình tự của TPP không chỉ là những khẩu hiệu. Lao động trình độ cao, tiêu chuẩn về môi trường, vệ sinh và các vấn đề kiểm dịch động, thực vật và công nghệ sinh học mang lại cả thách thức và cơ hội cho tất cả các nhà sản xuất nông nghiệp ở 12 quốc gia, cho dù bạn là một người nông dân trồng đậu tương ở Missouri, một nông dân trồng lúa ở tỉnh Niigata của Nhật Bản, hay một người trồng vải thiều tại tỉnh Bắc Giang. Thỏa thuận này sẽ ảnh hưởng đến nông dân ở mỗi quốc gia theo những cách tương tự nhau. Tuy nhiên, cùng với sự quy hoạch và đầu tư, những cơ hội lớn hơn nhiều so với những thách thức và đó là lý do tại sao 11 quốc gia đã hợp tác với Hoa Kỳ để đi tới một thoả thuận mang tính đột phá, và có tầm cỡ thế giới này. Có một tiềm năng to lớn cho Việt Nam đối với việc sử dụng TPP để tiếp tục hội nhập ngành nông nghiệp vào nền kinh tế toàn cầu và và gặt hái thêm lợi ích trong việc cung cấp thực phẩm cho một thế giới vẫn còn đói nghèo.
TPP mang đến một cơ hội làm tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam và tiếp cận các thị trường chiếm đến khoảng 10% trăm dân số thế giới và nhập khẩu khoảng 26 % các sản phẩm lương thực và thực phẩm trên toàn thế giới trong năm 2014. Các yếu tố của Hiệp Định TPP tạo ra một Hiệp Định tự do thương mại của thế kỷ 21 chính là những yếu tố sẽ củng cố cam kết hiện tại của Việt Nam đối với việc hiện đại hóa và hội nhập kinh tế. Sự tiếp tục hội nhập sâu hơn và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế sẽ mở cửa cho việc đầu tư vào thiết bị và công nghệ hiện đại hơn, hiện đại hóa ngành nông nghiệp và làm cho nó hiệu quả hơn. Điều này sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho khu vực nông nghiệp và chế biến thực phẩm ở Việt Nam. Ví dụ, các sản phẩm như quế, cà phê, hạt điều sẽ được tiếp cận thị trường lớn ở Bắc Mỹ hơn bao giờ hết một khi TPP có hiệu lực. Đồng thời, Hoa Kỳ và các nhà xuất khẩu các sản phẩm làm nguyên liệu cho sản xuất nông nghiệp như thức ăn gia súc, sản phẩm xơ, sản phẩm lâm nghiệp, và các sản phẩm từ sữa sẽ được tiếp cận thị trường Việt Nam tốt hơn. Việt tiếp cận tốt hơn đối với những sản phẩm sơ chế sẽ giúp giảm chi phí, và quan trọng cho những các thành công tiếp theo của nông dân và các nhà sản xuất của Việt Nam, trong đó có nghành chế biến gỗ và công nghịêp dệt may.
Tự do hóa thương mại đem lại những thay đổi năng động và bất ngờ trong một nền kinh tế. Một ví dụ mà nhiều người đã nói đến trong quá khứ, nhưng nó vẫn đáng để nhắc lại cho các quý vị ở đây, đó là khi Hoa Kỳ hoàn tất thoả thuận thương mại khu vực đầu tiên của mình, Hiệp Định Thương Mại Tự Do Bắc Mỹ (NAFTA). Các nhà phê bình ở ba nước thành viên NAFTA bày tỏ sự lo ngại về việc thay đổi trong thương mại nông nghiệp sẽ làm tổn hại tới những nông dân của mình, đặc biệt là đối với các hộ sản xuất quy mô nhỏ. Nhưng trong thực tế hiệp định này đã tạo ra những thị trường lớn hơn cho tất cả các nhà sản xuất trong khu vực. Thực tế là, tổng thương mại nông nghiệp song phương giữa Hoa Kỳ và hai đối tác của NAFTA là Canada và Mexico đã tăng lên gần 5 lần so với mức thu trong năm trước khi thực hiện NAFTA và đã vượt qua mốc 100 tỷ Đô la Mỹ trong năm 2014. Hiện tượng tăng trưởng này mô tả cho câu ngạn ngữ hay được nhắc tới là “nước lên thì thuyền sẽ lên”, với việc cả ba quốc gia được hưởng lợi từ NAFTA. TPP đặt nền tảng cho sự phát triển bùng nổ và sâu rộng tương tự trong thương mại giữa Việt Nam và các đối tác TPP.
Chính phủ Hoa Kỳ mong muốn giúp Việt Nam thực hiện thành công TPP. Thật vậy, đây cũng là mối quan tâm của chúng tôi. Thông qua các chương trình khác nhau, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong việc sửa đổi và ban hành các quy định mới để chuyển hệ thống pháp luật phù hợp với các cam kết đã thỏa thuận trong TPP, và xây dựng năng lực để thực hiện những thay đổi đó. Sự hỗ trợ đã được chuyển tới nông dân Việt Nam thông qua các chương trình như ví dụ như dự án IR-4 của Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ trong việc giúp đỡ Cục Bảo vệ thực vật Bộ NN & PTNT phát triển dữ liệu hiệu quả thuốc trừ sâu cho một loại thuốc diệt nấm thường được sử dụng trên cây thanh long. Dự án này đã giúp cho Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường Hoa Kỳ thiết lập Mức Dư Lượng Tối Đa đối với loại thuốc diệt nấm trên quả thanh long, và theo đó cho phép việc thương mại sản phẩm này vào Hoa Kỳ và trở thành sản phẩm có lãi cho nông dân Việt Nam. Một ví dụ khác là Phòng Thí Nghiệm Tiên Tiến về Quản Lý Dịch Hại của Cơ Quan Phát Triển Quốc Tế Hoa Kỳ đã trợ giúp những hoạt động nghiên cứu và khuyến nông cho nông dân, các trường đại học và viện nghiên cứu trong việc phát triển chiến lược phòng trừ dịch hại bền vững và đảm bảo cho các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam có khả năng đạt được những tiêu chuẩn cao trên Thế Giới. Về lĩnh vực chăn nuôi, cả chính phủ Hoa Kỳ và ngành công nghiệp của chúng tôi đang tích cực giúp đỡ Việt Nam trong cuộc chiến chống lại mối nguy cơ do dịch bệnh động vật như bệnh cúm gia cam và bệnh lở mồm long móng.
Một tin vui là Hoa Kỳ là một đối tác TPP có kế hoạch giúp đỡ Việt Nam chuyển từ trạng thái “có nguyện vọng tham gia TPP” trở thành “thực hiện TPP”. Tôi chân thành hy vọng rằng việc xây dựng năng lực này được phối hợp cả bên trong và bên ngoài TPP, bao gồm cả các đối tác FTA khác của Việt Nam và giúp đảm bảo cho các tác động của việc xây dựng năng lực này mạnh mẽ và sâu nhất có thể. Các chương trình khác được đưa ra và chúng tôi mong muốn xây dựng thêm nhiều chương trình mới trong việc tham vấn với chính phủ và khu vực tư nhân đã bắt đầu.
Hôm nay là một sự khởi đầu tuyệt vời cho việc đối thoại về những thay đổi mà TPP sẽ mang đến cho Việt Nam, mang lại thu nhập, tạo thêm việc làm cho ngành nông nghiệp cũng như các ngành khác trong nền kinh tế Việt Nam. Tôi mong chờ được nghe các bài thuyết trình sắp tới và tham gia vào các buôi thảo luận trong buổi họp toàn thể này.
Cảm ơn các quý vị đại biểu, tôi xin chúc các quý vị đại biểu và gia đình sức khoẻ và thành công.
http://vietnamese.vietnam.usembassy.gov/osius-061115.html
Leave a Reply
You must be logged in to post a comment.